Kế hoạch chi tiết du lịch Phnom Penh, Siem Reap

Trong bài viết Kinh nghiệm du lịch Campuchia – Phnom Penh, Siem Reap mình đã chia sẻ cho các bạn trải nghiệm trong chuyến du lịch Campuchia ở Phnom Penh và Siem Reap, bài viết này Hưng sẽ chia sẻ với bạn tất cả thông tin để lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch Phnom Penh, Siem Reap tự túc mà mình đã tích lũy được. Hưng sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi, nỗi băn khoăn.

1. Nên đi du lịch Phnom Penh, Siem Reap vào tháng mấy?

Campuchia có khí hậu khá là giống với Việt Nam khi cũng có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, tuy nhiên khí hậu khô và nóng bức hơn nhiều, nhiệt độ khoảng từ 21 độ C – 35 độ C, có khi lến đến 40 độ C. Vì vậy, thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Campuchia là vào tháng 11 đến tháng 4, khi đó tiết trời dễ chịu, ôn hòa hơn, bớt nóng và ít mưa. Đặc biệt, tránh đi vào tháng 7, tháng 8 vì đây là thời gian mùa lũ bắt đầu kéo về một số khu vực ở Campuchia, gây khó khăn cho các chuyến du lịch tại đây.

2. Các phương tiện di chuyển khi đi du lịch Phnom Penh, Siem Reap

  • Máy bay:

Hiện tại có các chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines và Cambodia Angkor Air, Qatar Airways, Malaysia Airlines từ Sài Gòn đến Phnom Penh hay từ Sài Gòn đến Siem Reap, giá cả 4 triệu trở lên, không có máy bay giá rẻ. Các bạn muốn du lịch Phnom Penh, Siem Reap bằng máy bay để tiết kiệm thời gian thì vào trang tìm vé rẻ để chọn cho mình chiếc vé phù hợp nhất nhé.

  • Xe đò:

Ít có một tuyến xe chạy suốt từ Sài Gòn đi Siem Reap, nên nếu muốn đến Siem Reap, chúng ta phải đi 2 chuyến xe: Sài Gòn – Phnom Penh (250 cây số) và Phnom Penh – Siem Reap (315 cây số). Tuyến Sài Gòn – Phnom Penh thì nhóm mình đi xe Long Phượng: http://longphuongcambodia.com/ Ngoài ra còn có một số nhà xe khác cho các bạn tham khảo:

Còn tuyến Phnom Penh – Siem Reap thì đi xe của bên Campuchia nên lúc đặt xe ở Việt Nam, các bạn nhờ nhà xe đặt giùm luôn, rồi khi sang tới Siem Reap, trước khi về nhà trọ mình đặt vé chiều về Siem Reap – Phnom Penh, giá 9 USD/người. Lúc mình đi là hãng xe Thero Express.

  • Từ bến xe về nhà nghỉ: đi bằng xe ôm hoặc tuk tuk, dân Campuchia gặp người nước ngoài nói thách lắm nên phải biết trả giá, giá khoảng 1 km 0.3 USD/người đối với 1 nhóm khoảng 5 người đổ lại là được.
  • Di chuyển trong khu vực Phnom Penh, Siem Reap: vì đây là chuyến du lịch bụi đầu tiên nên mình muốn trải nghiệm nên tất cả đều đi bằng xe đạp, các bạn thuê xe đạp ngay tại nhà nghỉ, giá ở Siem Reap là 1.5 USD/ngày còn ở Phnom Penh là 2 USD/ngày. Còn các bạn thuê xe máy thì giá khoảng 5 USD/ngày, có trải nghiệm hay nữa là bên Campuchia không sử dụng xăng A92, chỉ có A95 và A97 mrgreen

3. Thuê khách sạn ở đâu?

Ở Siem Reap, mình đặt nhà nghỉ Happy Guesthouse ở gần khu Pub Street (phố Tây Siem Reap), bên cạnh đó nhà nghỉ cách Quần thể di tích Angkor 7 cây số nên không quá xa để đạp xe tới được. Còn ở Phnom Penh thì mình đặt nhà nghỉ Good Morning Guesthouse gần Tượng đài Độc lập, dễ đạp xe du ngoạn các địa điểm tham quan ở thủ đô Phnom Penh.

sanh-truoc-nha-nghi-happy-guesthouse-v1

Sảnh trước nhà nghỉ Happy Guesthouse

nha-nghi-good-morning-guesthouse-v1

Nhà nghỉ Good Morning Guesthouse

Ngoài nhà nghỉ mình gợi ý, các bạn vào trang đặt phòng của mình để tìm khách sạn mà mình ưng ý và đặc biệt là không cần đặt cọc trước 😉

4. Các địa điểm mình đã đi qua khi du lịch Phnom Penh, Siem Reap

  • Khu Pub Street, phố Tây Siem Reap
25-trai-nghiem-khong-the-bo-qua-khi-du-lich-Siem-Reap-ivivu-12

Khu Pub Street

  • Quần thể di tích Angkor
duong-vao-angkor-wat-v1

Đường vào Angkor Wat

quang-canh-banteay-kdei-v1

Quang cảnh Banteay Kdei

cay-co-thu-moc-tren-noc-nha-v1

Cây cổ thụ mọc trên nóc nhà

  • Vòng quanh trung tâm thương mại Sorya Mall
rsz_8631396674_4ddea0ab23_z

Trung tâm thương mại Sorya Mall

  • Chùa Wat Phnom:
chua-wat-phnom-v1

Chùa Wat Phnom

ben-ngoai-san-chua-wat-phnom-v1

Bên ngoài sân chùa Wat Phnom

  • Tượng đài Độc lập, trải nghiệm tuyệt vời khi du lịch Phnom Penh:
dap-xe-dap-den-tuong-dai-doc-lap-v1

Đạp xe đạp đến Tượng đài Độc lập

  • Khu vực dọc bờ sông:
nha-cao-tang-v1

Nhà cao tầng

  • Cung điện Hoàng Gia (chỉ đứng ở trước):
cong-cung-dien-hoang-gia-v1

Cổng Cung điện Hoàng Gia

Ngoài ra còn có những điểm tham quan: Cung điện hoàng gia Campuchia – Chùa Bạc, Bảo tàng quốc gia Campuchia, Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (S-21), Cánh đồng chết – Choeng Ek Memorial (The killing fields) nhưng không đủ thời gian, lần du lịch Phnom Penh tới mình sẽ đi lại sau 🙄

5. Những trải nghiệm khi du lịch Phnom Penh – Siem Reap

  • Qua cầu Neak loeung: cây cầu lớn nhất Campuchia được xây dựng bắc qua sông Mekong, nhìn giống cầu Cần Thơ.
  • Đi xe tuk tuk:
  • Tham quan Quần thể di tích Angkor bằng xe đạp: trải nghiệm, thử thách lớn, tổng quãng đường Hưng đã đạp ngày hôm đó là 40 cây số.
dap-xe-o-angkor-v1

Đạp xe ở Angkor

  • Ngắm Mặt trời mọc ở Angkor Wat:
mat-troi-moc-o-angkor-wat-v1

Mặt trời mọc ở Angkor Wat

mat-troi-moc-roi-xuong-ho-nuoc-o-angkor-wat-v1

Mặt trời mọc rọi xuống hồ nước ở Angkor Wat

  • Ngắm Mặt trời lặn ở đỉnh Phnom Bakheng:
mat-troi-dang-xuong-doi-v1

Mặt trời đang xuống đồi

  • Tham quan Phnom Penh bằng xe đạp
dap-xe-dap-den-tuong-dai-doc-lap-v1

Đạp xe đạp đến Tượng đài Độc lập

  • Massage cá:
massage-ca-v1

Massage cá

  • Ẩm thực đường phố: lủi vô cái quán mà người bán không biết tiếng Việt, Anh nên chuyển qua chiêu dẫn tiếp viên tới chỗ chỉ món mà mấy thực khách bàn kế bên rồi kêu nó làm giống y vậy, trải nghiệm khó quên.
dia-ech-xao-lan-v1

Dĩa ếch xào lăn

  • Thưởng thức côn trùng:
thuong-thuc-con-trung-v1

Thưởng thức côn trùng

6. Các món ăn ở Phnom Penh, Siem Reap

  • Amok: một trong những món ăn độc đáo nhất của Campuchia, ẩn chứa bên trong nó là sự hòa quyện của nhiều hương vị như vị ngọt thanh của đường thốt nốt, vị béo nhưng không ngậy do nước dừa mang lại cũng như một mùi thơm thoang thoảng từ mắm bò hóc cùng hương vị lá chuối đặc trưng không thể thiếu.
mon-amok-v1

Món Amok

  • Nom banh chok: món ăn phổ biến tại đất nước chùa tháp và trong tiếng Anh gọi là Khmer Noodle. Nước dùng  được làm từ nguyên liệu chính là mắm cá truyền thống. sợi mì được làm từ gạo lên men, từng hạt gạo dẻo thơm được đem đi xay thành bột, qua công đoạn ủ rồi chế biến thành sợi.
nom-banh-chok-v1

Nom banh chok

bong-de-an-chung-voi-nom-banh-chok-v1

Bông để ăn chung với Nam ba chok

  • Sinh tố:
sinh-to-v1

Sinh tố

  • Tôm, mực, cá nướng: ăn chung với cơm, rau răm, nước mắm gừng.
muc-nuong-v1

Mực nướng

ca-nuong-v1

Cá nướng

  • Chè:  chè bí đỏ, chè trứng, chè thái, chè đậu xanh, sâm bổ lượng,… Chè Thái ở đây khác ở Việt Nam, có trứng, mì, hoành thánh,… còn ở Việt Nam toàn là toàn trái cây: mít, táo, sầu riêng. Chè bí đỏ thì ăn giống bánh flan, khác là ít béo hơn ăn 1 số chỗ có vị giống tàu hủ. Những chè kia ăn thì cũng giống Việt Nam.
quay-che-v1

Quầy chè

che-bi-do-campuchia-v1

Chè bí đỏ Campuchia

che-thai-campuchia-v1

Chè thái Campuchia

  • Côn trùng: đặc sản khi đến Campuchia, khó ăn hơn mình tưởng, chắc ngồi suy nghĩ lung tung nhiều quá. Nhện thì ăn mấy cái chân thơm thơm mùi tỏi, nhưng tới cái bụng thì khó ăn, ăn có vị giống gan heo. Dế thì ăn bình thường, cà cuống không biết tách vỏ, cánh thế nào nên ăn thấy cứng cứng, về tra Google thì thấy con này rất nổi tiếng ở Hà Nội, người Hà Nội dùng nó để làm hương vị cho vào nước mắm.
nhen-de-chien-toi-gion-v1

Nhện dế chiên tỏi giòn

ca-cuong-chien-toi-gion-v1

Cà cuống chiên tỏi giòn

7. Các vật dụng cần mang theo khi du lịch Phnom Penh, Siem Reap

  • Passport: (không mang thì khỏi đi 😎 luôn luôn giữ theo bên mình, mất cái này là đại họa)
  • Tiền: Campuchia xài tiền Riel và tiền USD, 1 USD = 4000 Riel. Nên đổi khoảng 200 USD, nên tránh loại mệnh giá lớn như 100 USD, USD 50, và đặc biệt 2 USD (cực kì lưu ý vì người Campuchia không sử dụng tờ 2 USD). Nếu đi bằng máy bay thì đem vé máy bay và passport ra ngân hàng đổi. Không thì chúng ta phải ra các chợ ngoại tệ đổi với tỉ giá “chát” hơn. Nếu ai ở Sài Gòn thì đổi ở Bàn Thu Đổi Ngoại Tệ 59 ở đường Đồng Khởi, Quận 1 để có tỉ giá tốt nhất.
  • Quần áo, khăn tắm, vật dụng cá nhân.
  • Bản đồ Phnom Penhbản đồ Siem Reap.
  • Thông tin, số điện thoại về các địa điểm ăn chơi và các hãng xe, nhà nghỉ tại Campuchia.
  • Dao xếp (gọt trái cây ăn).
  • Thuốc men: thuốc cảm sổ mũi, thuốc đau bụng, cồn, bông gòn, băng keo cá nhân, dầu, salonpas,…
  • Điện thoại: để coi bản đồ, xác nhận đặt phòng,…
  • Sạc dự phòng: nên sử dụng loại có dung lượng 10000 mAh trở lên.
  • Giày dép nên mang loại đế bằng và nhẹ vì đi Angkor leo trèo khá nhiều.
  • Từ điển chứa một số từ thông dụng, chi tiết tại đây.
  • Tất cả các xác nhận đặt phòng, passport hay tài liệu liên quan đến chuyến đi nên sao lưu 1 bản mềm trên mạng sao cho có thể tải về dễ dàng nhất và bên cạnh đó in ra 1 bản giấy để dự phòng nếu bị mất passport, điện thoại.

8. Lịch trình chuyến đi

Nhóm quyết định đi đến Siem Reap trước rồi mới đến Phnom Penh vì lúc mới đi còn sung sức nên đi xa sẽ dễ dàng hơn.

  • Ngày 1, Sài Gòn – Phnom Penh – Siem Reap: Chuyến du lịch Phnom Penh, Siem Reap này mình muốn đi xe đêm để tiết kiệm thời gian nhưng có một số lý do:
    • Cửa khẩu Mộc Bài chỉ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối nên tất cả các xe đến đó đều phải chờ cho đến sáng.
    • Đường bên Campuchia xấu, không có đèn đường nên dễ xảy ra tai nạn, tuyến Phnom Penh – Siem Reap mình đi đường rất bụi, tầm nhìn của tài xế khoảng 50m (mấy bạn Hưng mới đi về thì nói đường làm xong rồi).

Nên cuối cùng thống nhất với cả nhóm là đi xe vào ban ngày. Xuất phát tại bến xe Công viên 23/9, đường Phạm Ngũ Lão. Thời gian đi từ Sài Gòn đến cửa khẩu Mộc Bài là 2 tiếng. Sau đó làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi xe tiếp tục xuất phát từ cửa khẩu Bavet đến Phnom Penh, thời gian 4-5 tiếng. Nhóm tới Phnom Penh lúc 2 giờ chiều. Sau đó một hãng xe khác bên Campuchia chạy tuyến Phnom Penh – Siem Reap có xe trung chuyển chở nhóm từ bến xe Long Phượng đến bến xe của họ để tiếp tục hành trình Phnom Penh – Siem Reap. Nhóm đến Siem Reap lúc 8 giờ 30 tối. Mình tranh thủ mua vé chiều về Siem Reap – Phnom Penh cho ngày thứ 3 (giá 9 USD/người). Sau đó ra bắt tuk tuk về nhà nghỉ, nhận phòng rồi sau đó ra khu phố Tây ăn uống, tham quan đây đó rồi về ngủ sớm, dưỡng sức cho ngày mai đạp xe đạp ở quần thể di tích Angkor.

  • Ngày 2, tham quan quần thể di tích Angkor bằng xe đạp: Mọi người nhìn theo bản đồ tại đây. Khu mua vé ở chỗ Main Entrance and Admission. Sau đó tham quan đạp xe theo thứ tự ngược chiều kim đồng hồ của đường màu đỏ. Lý do: nhìn vào bản đồ, đỉnh Phom Bakheng nằm bên tay trái sát bên Angkor Wat, là nơi ngắm mặt trời lặn, còn Angkor Wat là nơi ngắm mặt trời mọc nên để thưởng thức được hết, chúng ta phải đảm bảo có mặt ở Angkor Wat trước giờ mặt trời mọc (5 giờ 30 sáng), (nơi bắt đầu hành trình) và Phnom Bakheng lúc 5 giờ chiều (nơi kết thúc hành trình). Nhóm quyết định xem mặt trời mọc nên phải thức dậy sớm lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị. Xuất phát lúc 5 giờ sau đó đạp xe đến cửa vào khu quần thể di tích Angkor để ngắm mặt trời mọc.
map1_large

Bản đồ đường đi trong khu di tích Angkor

  • Thứ tự đi:
    • Angkor Wat (phải đi): ngắm mặt trời mọc và tham quan trong đền, đảm bảo phải có mặt trước giờ mặt trời mọc.
    • Banteay Kdei: có mấy cây cột thành cổ vô chụp hình nhìn rất nghệ thuật.
    • Ta Prohm (phải đi): mấy cây cổ thụ với rễ cây khổng lồ, nơi đóng phim Tomb Raider, có mặt lúc 12 giờ – 1 giờ trưa vì ở đây cây rất nhiều nên không đi lúc trời nắng gắt thì quang cảnh rất tối.
    • Ta Keo: có 3 tầng, leo lên tầng cao nhất để ngắm Angkor trên cao, cầu thang rất khó leo.
    • Bayon (phải đi): có tượng 4 mặt người.
    • Angkor Thom: cổng nam của quần thể di tích Angkor.
    • Đỉnh Phnom Bakheng (phải đi): cao 60m, leo lên ngắm mặt trời lặn, lúc 5 giờ chiều.
    • 6 giờ xuất phát về từ đỉnh Phnom Bakheng đạp xe về nhà nghỉ.
  • Ngày 3, Siem Reap – Phnom Penh: 7 giờ dậy, mục đích để dưỡng sức cho chuyến đi ngày hôm qua. Sau đó nhóm ghé chợ cũ (Old Market) để ăn sáng, thưởng thức các món ăn ở Siem Reap, uống sinh tố. Đi massage cá, làm thủ tục trả phòng. Đến 2 giờ có xe trung chuyển chở đến bến xe về lại Phnom Penh. Xe chạy 8 giờ tối đến Phnom Penh. Sau đó nhận phòng nhà trọ tại Good Morning Guesthouse. Và ăn tối, tham quan thủ đô Phnom Penh về ban đêm, có trung tâm thương mại Sorya Mall, uống sinh tố,…
  • Ngày 4, Phnom Penh – Sài Gòn: 6 giờ dậy, nhận xe đạp để đi. Sau đó nhóm qua chợ Trung Tâm (Central Market) ăn sáng. Đi chùa Wat Phnom. Đạp xe dạo Phnom Penh buổi sáng, chụp hình các kiểu. Sau đó quay lại ăn trưa ở chợ Trung tâm, có nhiều món hải sản nướng mua đồ lưu niệm. Tiếp tục đạp xe qua các địa danh Tượng đài Độc lập, ngắm Cung điện hoàng gia, Viện bảo tàng quốc gia (không đủ thời gian để vào tham quan). Đến 2 giờ chiều nhóm quay về nhà nghỉ, làm thủ tục trả phòng rồi đi xe ôm ra bến xe Long Phượng quay về Sài Gòn. 9 giờ tối về đến bến xe Công viên 23/9. Kết thúc chuyến du lịch Phnom Penh, Siem Reap.

9. Kinh phí cho chuyến du lịch Phnom Penh – Siem Reap

  • Vé xe tuyến Sài Gòn – Phnom Penh khứ hồi: 360k
  • Vé xe tuyến Phnom Penh – Siem Reap khứ hồi: 415k
  • Nhà nghỉ ở Phnom Penh, 1 đêm: 110k
  • Nhà nghỉ ở Siem Reap, 2 đêm: 250k
  • Vé vào cổng tham quan Khu di tích Angkor: 20 USD (giờ là 37 USD)
ve-tham-quan-quan-the-di-tich-angkor-v1

Vé tham quan quần thể di tích Angkor

  • Tiền ăn, xe, quà lưu niệm: 1000k

Tổng cộng: khoảng 2500k

10. Lưu ý

Không có gì đặc biệt, người dân Campuchia thân thiện và hiền, đi đâu không biết đường thì cứ gặp cảnh sát mà hỏi, tiếng Anh tốt, ở Phnom Penh còn biết cả tiếng Việt mà nhiệt tình nữa. Điểm cần lưu ý duy nhất khi du lịch Phnom Penh, Siem Reap là trước khi ăn gì thì hỏi giá, còn mua quà lưu niệm thì trả xuống 2/3 giá họ đưa ra, đi xe thì trả 1 km 0.3 USD/người là được.

11. Lời kết

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến phần cuối cùng bài viết Kế hoạch chi tiết du lịch Phnom Penh, Siem Reap của mình. Hi vọng những thông tin chia sẻ trong bài sẽ giúp cho các bạn có chuyến đi tiết kiệm và thật nhiều trải nghiệm, niềm vui. Nếu cần hỗ trợ thêm thông tin, có ý kiến đóng góp, hoặc có những trải nghiệm nào hay hơn trong chuyến du lịch,… các bạn comment ở phía dưới bài viết này nhé 😉

dmca-badge-w150-2x1-02

Về tác giả Hung Le

Thích đi du lịch, đọc sách, nghe nhạc không lời, tìm hiểu cái mới

Theo dõi tôi tại:

Bình luận