Chuyến du lịch Campuchia này là chuyến xuất ngoại, du lịch tự túc đầu tiên của mình, mặc dù còn nhiều thiếu sót nhưng đó là chuyến đi đáng nhớ nhất.
1. Lịch trình chuyến du lịch Campuchia
- Ngày 1: đi xe khách từ Sài Gòn đến Phnom Penh, sau đó đi tiếp từ Phnom Penh đến Siem Reap, đi dạo, ăn chơi ở Siem Reap về đêm.
- Ngày 2: tham quan quần thể di tích Angkor bằng xe đạp.
- Ngày 3: thưởng thức các món ăn ngon ở Siem Reap, chiều đi xe khách về lại Phnom Penh, đi dạo, ăn chơi ở Phnom Penh về đêm.
- Ngày 4: tham quan các di tích, địa điểm nổi tiếng ở Phnom Penh: chùa Wat Phnom, Cung điện Hoàng Gia, Tượng đài Hữu nghị,… rồi chiều về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến du lịch Campuchia.
Để tiết kiệm thời gian, các bạn có thể đặt vé máy bay đi Campuchia, đặc biệt là những bạn ở ngoài Hà Nội thì đi bằng máy bay là tối ưu, tuy nhiên giá vé máy bay khá cao (3 – 4 triệu ở Hồ Chí Minh, và 4 – 5 triệu ở Hà Nội), các bạn có thể dùng dịch vụ Traveloka có chức năng tìm, so sánh giá vé để mua.
2. Ngày đầu tiên, Sài Gòn – Phnom Penh – Siem Reap
6 giờ 15 phút dậy, chuẩn bị đồ đạc, vệ sinh các nhân xong xuôi rồi đến nhà xe Long Phượng ở 313 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Đúng 7 giờ, một chiếc xe 45 chỗ chạy đến đậu trước nhà xe. Hành khách đi du lịch Campuchia nhanh chóng lên xe, ổn định rồi xe bắt đầu xuất phát. Tiếp viên trên xe đến chỗ mỗi người thu hộ chiếu để chuẩn bị làm thủ tục xuất nhập cảnh khi đến cửa khẩu Mộc Bài – Bavet. Việt Nam được miễn phí thị thực khi du lịch Campuchia, du khách nước ngoài thì tiếp viên thu mỗi người 37 USD lệ phí. Trên xe có wifi nhưng tốc độ chậm, bác tài còn mở nhạc Campuchia có các vũ công múa điệu Apsara để mọi người cùng thưởng thức và hiểu hơn về văn hóa đất nước Campuchia.
Xe chạy bon bon theo Quốc lộ 20 sau 2 tiếng thì đến cửa khẩu Mộc Bài. Theo chân khách du lịch Campuchia xuống xe, các vật dụng quý giá thì đem theo để tránh mất cắp. Vào bên trong cửa khẩu, khách du lịch Campuchia trên xe đứng xếp vào 1 hàng theo chỉ dẫn của chú tiếp viên trên xe, sau đó bước qua cửa vào bên trong đi theo bảng chỉ dẫn, đi được khoảng 10m thì bắt đầu hết thấy tiếng Việt, lúc đó biết mình đã qua địa phận Campuchia, tiếp tục đi theo bảng chỉ dẫn sau đó ra ngoài đứng chờ xe chạy từ cửa khẩu Mộc Bài qua cửa khẩu Bavet. Trong lúc đứng chờ, có nhiều người rao bán sim điện thoại và đổi tiền, vài khách du lịch Campuchia lại mua.
Xe chạy qua biên giới Mộc Bài – Bavet
Casino ở Bavet
Xe đã đến được cửa khẩu Bavet, mọi người nhanh chóng lên xe và tiếp tục hành trình. Trên xe chú tiếp viên đọc tên mỗi người khách du lịch Campuchia để trả lại hộ chiếu. Đi trên đường có các cảnh sát cơ động đứng làm nhiệm vụ. Được khoảng nửa tiếng thì xe ghé vào quán cho mọi người ăn trưa.
Xe dừng chân ở quán ăn
Cả nhóm lấy thức ăn mang theo ra ăn. Sau đó xe trở lại hành trình, đường bên Campuchia rất hẹp nhưng không giới hạn tốc độ nên xe chạy rất nhanh, mình nhìn đồng hồ thì thấy bác tài xế chạy 90km/h. Trên xe trò chuyện với bác tài xế, bác là người Việt, có vợ ở Campuchia, rồi chở khách du lịch nên biết thêm tiếng Anh, tổng cộng là 3 thứ tiếng: Việt, Campuchia, Anh. Bác cũng hỏi nhóm lần đầu đi du lịch Campuchia, rồi đi tự túc hay mua tour. Trên đường có băng qua cầu Neak Loeung bắt qua sông Mekong, bự cỡ cầu Cần Thơ, cũng do Nhật xây nên nhìn kiến trúc thấy giống y.
Cầu Neak Loeung
Hôm nay thứ 6 nên thấy các em nhỏ đang đi học, nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà sàn, nhưng tường thì dùng tôn thay vì gạch, xa xa là những cánh đồng lúa, cây thốt nốt. Trên đường thì có các xe tải, tuk tuk chở hàng, xe máy. Đường rất bụi nên người chạy xe máy trùm khăn rằn kín mặt, rồi đội nón bảo hiểm.
Các em nhỏ đi học
Đến 2 giờ chiều, xe đến Phnom Penh, cả nhóm chào bác tài xế rồi xuống xe, lên xe trung chuyển của hãng Thero Express để đi chuyến Phnom Penh – Siem Reap. Trên đường đến, xe chạy qua sân vận động Olympic và nghe tiếng đếm phát ra từ huấn luyện viên hướng dẫn mọi người tập thể dục. Đường phố đầy xe hơi, còn xe máy thì toàn xe Cub, Dream, tay ga thì giống Spacy đời 2005 ở Việt Nam, kiếm được người đi xe Air Blade là rất hiếm.
Đến nhà xe Thero Express mọi người nghỉ ngơi 15 phút, đi vệ sinh, rửa mặt rồi lên xe. Xe chỉ có 16 chỗ nhưng khoang ngồi lớn. Vừa lên xe ngồi là 1 bảng thông báo hiện trước mặt “Yêu cầu thắt dây an toàn, nếu không sẽ bị phạt 250,000 KHR”. Đường đi đang làm nên rất xấu, thấy các xe làm đường đậu 2 bên, bụi mịt mù, tầm nhìn khoảng 30m nên tài xế xe không ai dám vượt, rủi có gì là lãnh đủ. Hai bên đường không có đèn, nhà cũ, không có điện, toàn sử dụng đèn dầu.
Nhóm lấy điện thoại, máy chụp hình ra ghi lại khoảnh khắc ánh mặt trời rọi qua hàng dừa, tán cây bên đường.
Mặt trời đang lặn bên đường
Xe dừng chân ở chỗ nghỉ
Được 1 lúc thì trời tối đen như mực, chỉ còn đèn xe phía trước. 1 chút nữa thôi là sẽ đến Siem Reap, mọi người háo hức mong tới cho nhanh vì ai cũng khá đói và mệt sau gần 12 tiếng ngồi xe. 8 giờ tối, quang cảnh Siem Reap về đêm hiện ra trước mắt. Xe chạy đến đường National Road 6 rồi quẹo vào bến.
Xuống xe mình đại diện nhóm vào mua vé xe chiều Siem Reap – Phnom Penh cho ngày thứ 3, giá vé 9 USD/người. Sau đó cả nhóm ra bắt xe Tuk tuk về nhà nghỉ Happy Guesthouse, dân Campuchia thấy khách du lịch nói thách ghê gớm, phải trả giá cuối cùng thì giá hợp lý cho 1 người là 0.3 USD/km.
Đến nơi thì lúc trả tiền thì anh lái xe tuk tuk không nhận tiền tờ mệnh giá 2$, bèn nhờ một bạn trong nhóm vào đổi tiền lẻ ra đưa cho anh ấy thối lại. Trong lúc chờ đợi thì anh ấy hỏi lần đầu du lịch Campuchia hả, rồi tâm sự chạy xe cực vì tính cạnh tranh cao, người người chạy tuk tuk, nhà nhà chạy tuk tuk. Anh ấy không có nhà, ngủ trên xe luôn, còn bình thường ăn uống hay sinh hoạt cá nhân thì ké nhà người quen hoặc quán ăn. Mấy anh em nói chuyện 1 lúc thì bạn kia ra, mình trả tiền rồi tạm biệt.
Làm thủ tục nhận phòng ở quầy tiếp tân
Sau đó cả nhóm đến quầy tiếp tân để nhận phòng, thủ tục rất đơn giản, đọc tên người đặt (chính là mình), đưa xác nhận đặt phòng cho họ. Sau đó họ mượn hộ chiếu scan rồi trả lại. Tiếp đến tiếp viên hướng dẫn lên nhận phòng. Mọi người tắm rửa, vệ sinh cá nhân rồi xuống quầy tiếp tân xin bản đồ Siem Reap, nhờ họ chỉ một số chỗ ăn uống. Nhóm cuốc bộ ra khu Pub Street (khu phố Tây Siem Reap). Khi đến cả một con đường sầm uất, rất nhiều khách du lịch Campuchia, đi gặp họ thì mỉm cười chào. Nhóm ghé vô quán ăn tối, thưởng thức đặc sản Campuchia, uống bia Angkor.
Món Amok
Bia Angkor
Sau đó dạo một vòng, tham quan toàn bộ khu Pub Street. Đến 11 giờ khuya thì cả nhóm đi bộ về, phố phường về đêm vắng lặng, lâu lâu gặp mấy trẻ trâu nhìn nhìn nên cả nhóm tập trung đi nhanh lên.
Quang cảnh Siem Reap về đêm
Đường về nhà nghỉ bỗng chốc trở nên tối thui, đang đi thì thấy cảnh sát đi tuần tra nên mọi người cảm thấy an toàn hơn. Bỗng chốc thì về tới nhà nghỉ. Mọi người tập trung lại bàn chuyện ngày mai đi tham quan Angkor bằng xe đạp, sau đó cả đám đến quầy tiếp tân làm thủ tục thuê xe đạp rồi lên đi ngủ chuẩn bị cho hành trình ngày mai.
Sảnh trước nhà nghỉ Happy Guesthouse
3. Ngày thứ hai, tham quan quần thể di tích Angkor bằng xe đạp
Đặt đồng hồ lúc 4 giờ 30 phút. Nghe chuông là bật dậy liền, cảm giác như nguyên cả đêm chả được ngủ giấc nào. Mọi người nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân, đem theo bánh mì, nước uống (mỗi người 2 lít). Rồi xuống lấy xe đạp đạp đến chỗ mua vé theo chỉ dẫn của bản đồ. 5 giờ, trời còn chưa sáng, nhưng trên đường đã đông đúc xe tải, người người khuân vác đồ chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Mọi người tranh thủ chạy nhanh đến chỗ như đã thảo luận. Nhưng đúng là mọi chuyện xảy ra không như dự định. Khi quẹo vào National Road 6 thì không có đèn, không có biển tên đường, mọi người dừng lại một chút để mở bản đồ ra kiểm tra lại, nhưng tiếc là tín hiệu GPS quá kém, định vị không chính xác nên cứ tiếp tục đạp theo linh cảm. Đường vắng không một bóng người, đạp một chút thấy có nhà dân thì họ cứ chỉ đi thẳng, sau đó thấy một chiếc tuk tuk chạy đường đó nên mừng thầm trong bụng chắc là đi đúng đường rồi. Đạp một chút thì gặp một đồn cảnh sát.
- Cảnh sát: “Where’s your ticket?”
- Mình: “I want to buy it, but can’t find the ticket booth.”
- Cảnh sát: “Sorry, wrong way, the ticket booth is in… and it’s 7km far from here.”, xong 2 anh còn đưa mình bản đồ và vẽ ra đường đi tới.
- Mình (suy nghĩ): rồi coi như xong, lúc này là đã 5 giờ 35 phút.
- Cảnh sát: “We can take you to there, it’s only 5 USD, but it’s a pleasure to go with the Police.”
- Mình (suy nghĩ): thui dẹp, trời sáng rồi, tới cũng ko được coi Mặt Trời mọc, bèn trả lời: “No, thanks.” Sau đó xin chụp bản đồ với đường vẽ lại.
Cả nhóm quay lại theo đường hướng dẫn, đang đạp thì gặp 2 người dân bên đường lại hỏi, chìa cái bản đồ ra, may thay họ chỉ mình đi theo con đường còn ngắn hơn trong bản đồ vẽ ra, thật ra con đường tiến vào chỗ bán vé là Charles De Gaulle trong khi nhóm lại đạp theo con đường song song với nó nhưng cũng tiến vào quần thể di tích Angkor, nhưng bọn thiết kế chơi ác cái là chỉ có 1 cổng bán vé. Còn con đường 2 người dân chỉ đi là đường bắt ngang để đến Charles De Gaulle. Đạp khoảng 25 phút thì đến chỗ bán vé, thấy có mấy bạn khách Tây du lịch Campuchia đạp tới trước mình. Quy trình mua vé thì họ sẽ chụp hình mình và in lên vé, giá vé là 20 USD.
Vé tham quan quần thể di tích Angkor
Sau đó cả nhóm tiếp tục đạp từ chỗ bán vé đến Angkor Wat, đường đi đúng là lắm gian nan, vô cũng khoảng 2km nữa. Biết là không xem được Mặt trời mọc nên cả nhóm cũng không mặn mà đạp nhanh nữa. Mọi người xuống chụp hình cho nhau, vì bên đường có cái hồ rất to và đẹp, rồi quay phim các kiểu.
Sau đó tiến vào Angkor Wat, đến nơi là 6 giờ 30 sáng, nhưng Mặt trời mới lên được 1/4. Cả đám la lên: “Ủa, mới lên có chút xíu”, mừng muốn khóc, vui nhất là mình: “Chưa bao giờ công lao lại được đền đáp xứng đáng như vậy!” Cả nhóm ngồi thưởng thức Mặt trời di chuyển lên từng giây từng giây. Đối với mình đây là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc như thế, thiệt bình yên.
Mặt trời mọc ở Angkor Wat
Mặt trời mọc rọi xuống hồ nước ở Angkor Wat
Sau khi Mặt trời lên, mọi người di chuyển vào Angkor Wat để tham quan. Đầu tiên là qua cổng thành, sau đó vào bên trong đền ngắm họa tiết điêu khắc, đường có rất nhiều bậc thang.
Đường vào Angkor Wat
Quang cảnh thành Angkor Wat
Quán nước giải khát ở Angkor Wat
Tượng Phật bên trong Angkor Wat
Lăn xả chụp hình
Tượng Phật bên trong Angkor Wat 2
Tượng Phật bên trong Angkor Wat
Tham quan một vòng, sau đó ra ngoài mặt sau của đền để leo lên tháp trung tâm, kiến trúc Angkor Wat gồm có 5 tháp, 4 tháp chung quanh và 1 tháp trung tâm, nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh Angkor Wat. Tháp chỉ chứa được một số lượng người nhất định nên phải xếp hàng chờ lượt.
Dòng người leo lên tháp
Trong quá trình xếp hàng, nhóm đến nghe ké hướng dẫn viên thuyết trình cho khách du lịch Campuchia. Chờ đợi gần 1 tiếng mới được leo lên tháp và chiêm ngưỡng quang cảnh, tháp cao 60m, các bậc thang rất nhỏ nên Ban quản lý du lịch Campuchia phải làm cầu thang mới đè lên những bậc thang đá để mọi người dễ đi.
Lên đó vòng vòng được 30 phút, có thấy được khinh khí cầu màu vàng nữa, sau đó thì mọi người tranh thủ xuống và đi ra ngoài để tham quan các điểm tiếp theo.
Quang cảnh Angkor Wat từ trên cao
Mới đầu theo kế hoạch thì nhóm sẽ từ Angkor Wat sang Angkor Thom mua đồ ăn nhẹ rồi tiếp tục tham quan Ta Prohm, Ta Keo,… Tuy nhiên khi ra ngoài thì gặp được một anh chạy xe tuk tuk hướng dẫn lại cách đi. Anh nói là nếu đi theo kế hoạch thì sẽ không tận dụng được hết thời gian và bỏ phí rất nhiều nơi tham quan. Ảnh chỉ cứ nhìn vào bản đồ, đi ngược chiều kim đồng hồ, (kế hoạch cũ là đi theo chiều kim đồng hồ), lý do là Angkor Thom gần đỉnh Phnom Bakheng nên mình sẽ xem Mặt trời lặn và đó phải là điểm tham quan cuối cùng.
Bản đồ đường đi trong khu di tích Angkor
Cả nhóm đi theo sự hướng dẫn của ảnh, vì vậy điểm tiếp theo sẽ là Banteay Kdei. Từ Angkor Wat đến Banteay Kdei cũng 2 cây số rưỡi, đi trên đường gặp Cảnh sát thì cầm bản đồ đến hỏi để xác nhận lại cho chắc, tránh xảy ra tình huống lạc đường như hồi sáng. Đạp một hồi thì thấy bên tay trái có cái đền, bên tay phải thì có cái hồ. Hỏi người bán nước gần đó thì đúng là Banteay Kdei rồi. Cả nhóm xuống xe, khóa lại rồi ra chỗ bờ hồ ngắm cảnh trước.
Hồ nước ở Banteay Kdei
Chụp choẹt các kiểu xong qua đường đi bộ vào trong đền Banteay Kdei, trời rất nắng, khát nước, mọi người lấy trái câu ra ăn cho đỡ khát nước. Sau đó, tiếp tục cuốc bộ vô trong thì có mấy cây cột rất cổ, lên hình rất đẹp, rồi mình cố gắng đi sâu vô nữa thì thấy được mấy pho tượng Phật giống bên Angkor Wat.
Dàn nhạc dân tộc
Quang cảnh Banteay Kdei
Ngồi được 1 tiếng thì 12 giờ trưa, mọi người nhanh chóng đạp xe qua Ta Prohm vì bên đó cây rất nhiều, tán cây rộng che cả bầu trời nên phải đi vào trời nắng gắt thì mới thấy được quang cảnh bên trong, đường kì này gần hơn nên đỡ mệt, đang đi trên đường thì có đoàn xe của chính phủ và cảnh sát giao thông dẫn đường. Đến Ta Prohm đi theo bảng chỉ dẫn vào trong, được một khúc thì bắt đầu thấy những cây cổ thụ với rễ mọc trên nóc đền, đúng với cảnh trong phim Tomb Raider (Bí mật ngôi mộ cổ).
Cây cổ thụ mọc trên nóc nhà
Rồi cũng tiết mục tham quan, chụp hình, rồi đi sâu vào bên trong, đúng là tối thiệt, có mấy chỗ tăm tối rồi có mấy rễ cây mọc xung quanh nhìn hoang dại và hơi rùng rợn. Tự nhiên đi cái bị lạc đường vào căn phòng toàn đá đổ nát và tối om, sau đó quay ra rồi đi theo hành lang cuối cùng gặp được 1 dòng người du lịch Campuchia, hú hồn.
Rễ cây cổ thụ trên nóc nhà
Loay hoay cũng đến 3 giờ chiều, mọi người tranh thủ qua đền Bayon. Trên đường đi thì thấy Takeo. Mình kêu nhóm vào tham quan Takeo luôn thì lúc này ai cũng đuối hết rồi, nên thống nhất ai thích thì vào, còn mọi người ở ngoài đợi. Thời gian trong vòng 20 phút. Đền này không có nhiều khách du lịch Campuchia tham quan cầu thang nó giữ nguyên bản, không có làm cầu thang mới với bậc thang rộng hơn. Leo lên cũng khoảng 60 bậc thang để vào trong, quang cảnh thì cũng tương tự như Angkor Wat, được cái đứng trên cao nên nhìn được quang cảnh xung quanh. Rồi tới tiết mục bước xuống bậc thang, chiều rộng bằng 2/3 bàn chân, không có điểm tựa để bước, nên chuyển qua kiểu đi ngồi từng bước.
Khu đền Takeo
Bậc thang đền Takeo
Sau đó nhóm tiếp tục hành trình đến đền Bayon, nơi có nhiều tượng 4 mặt người. Tương tự tiết mục tham quan chụp ảnh, rồi đi sâu xuống tầng dưới xem có gì mới không, rồi mọi người ngồi nghỉ ngơi tí, trò chuyện với nhau. Trong lúc nói chuyện nhìn lên trần nhà thì phát hiện là vật liệu làm trần nhà toàn là những hòn đá xếp khít lại với nhau và không có một chất kết dính nào hết, nếu 1 hòn đá rơi ra thì trần nhà sẽ bị sập. Đúng thể hiện sự tài hoa trong việc thiết kế và xây dựng ngôi đền của người Khmer cổ, đó là điểm thu hút mọi người đến du lịch Campuchia.
Tượng 4 mặt ở đền Bayon
Loay hoay thì cũng 5 giờ, nhưng trời còn rất nắng, toàn bộ nước trên xe đã uống hết, mọi người cố gắng đạp đến Angkor Thom rồi tìm quán nước mua uống giải khát. Sau đó vào tham quan thì thấy kiến trúc cũng giống như ở đền Bayon nên không dành thời gian nhiều cho nó và tiến về đỉnh Phnom Bakheng, trên đường đi thấy có mấy con khỉ đứng bên đường, vài khách du lịch Campuchia còn cho bọn nó ăn và uống nước.
Đạp xe ở Angkor
5 giờ 30 thì đến được chân đồi Phnom Bakheng, cả nhóm gửi xe rồi bắt đầu leo lên, tới lúc này hết sức nên leo 60m giống như leo 500m, leo được nửa đoạn thì du khách xếp hàng đông quá, đứng đợi khoảng nửa tiếng không thấy không ổn nên nhóm quyết định đi xuống, đứng khoảng 2/3 đồi đợi Mặt trời đi xuống rồi ngắm. Chút xíu dân tình lo chạy xuống theo ông Mặt trời, nhóm đã có chiến lược đúng nên có được vị trí xem tốt nhất. Mọi người chiêm ngưỡng, thả hồn vào gió, lâu lâu lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc cho đến khi Mặt trời khuất sau núi rồi về.
Nắng chiếu trên đỉnh Phnom Bakheng
Mặt trời đang xuống đồi
Mặt trời đã xuống đồi
Đường về lắm chông gai, như mình đã trình bày ở trên thì đường không có đèn, và khi về thì cũng trời tối. Vừa đi thì gặp người dân để xác nhận là mình đi đúng đường. Họ cũng nói: “Safe trip back to your home”, là mình hiểu nó khó khăn đến mức nào rồi. Cả nhóm chạy trên con đường tối om, có 2 bạn Tây khách du lịch Campuchia chạy trước, nhóm theo sau mà họ cứ sợ là cướp hay có mưu đồ xấu nên họ cố gắng bức tốc chạy trước, nhóm không đủ sức theo nên bị bỏ lại, mọi người động viên nhau, để có tinh thần hoàn thành chuyến về nhà. Đạp được nửa tiếng thì đến khu đô thị, lúc này thì an toàn rồi. Đến ngã tư thì gặp ngân hàng Sacombank Campuchia nên kêu cả nhóm vô đổi chút tiền. Tỉ giá vẫn không khá hơn nhiêu nhưng chắc là ok nhất rồi, cũng có mấy người nước ngoài vô đổi. Mắc cười cái là ngân hàng chỉ có vài cái máy tính và máy đếm tiền, nhân viên đếm tiền còn bị sai mình phải xác nhận lại giùm.
Đổi xong tiền nhóm chạy về khu Pub Street để ăn tối, cả ngày toàn ăn lương khô với bánh mì, uống nước. Đi trên đường thì thấy cái siêu thị nên ghé vào coi nó khác gì nhiều ở mình không. Giá gửi xe đạp siêu thị là 3$ nên mình không gửi, bọn bảo vệ cũng không có phàn nàn gì mặc dù tụi nó in vé ra rồi. Sau đó khóa xe ở ngồi canh ở ngoài cho mấy bạn vào trong mua đồ, mình cũng mệt rồi nên cũng không có hứng thú. Xong họ đem ra vài bịch snack có sữa chua Angkor Milk, ăn vị giống VinaMilk 😀
Bí đủ màu sắc trong siêu thị
Ăn tối ở 1 quán lẩu, kêu món cari, món lẩu bò ăn lạ miệng, sinh tố bên đây gọi là “Shake”. Về tới nhà nghỉ thở không ra hơi, quần áo, giày dép toàn màu vàng của cát và bụi ở Angkor, mọi người nhanh chóng thay đồ, tắm rồi đi ngủ. Kết thúc 1 ngày hành trình kiệt sức và không kém phần thú vị trong chuyến du lịch Campuchia. Quãng đường mà nhóm đã đi ngày hôm đó:
- 7 km từ nhà nghỉ đến chỗ sai địa điểm
- 7 km từ chỗ sai địa điểm đến Angkor Wat
- 20 km đạp xe vòng quanh quần thể di tích Angkor
- 7 km đạp xe từ Angkor về nhà nghỉ.
4. Ngày thứ ba, Phnom Penh – Siem Reap
Hôm nay nhóm không đặt đồng hồ báo thức, sau dư âm của ngày hôm qua thì ai cũng đuối quá rồi. Tuy tính toán là vậy nhưng do đi chơi nên mọi người vẫn còn háo hức nên 7 giờ sáng ai cũng dậy rồi. Vệ sinh cá nhân xong thì mọi người cùng nhau ra khu Chợ cũ (gần khu Pub Street). Vào chợ thì người người tấp nập, người địa phương và khách du lịch Campuchia, buôn bán các món ăn sáng: hủ tiếu, bò kho, cơm,… rồi bên đó còn có những thức ăn chưa qua chế biến thịt, cá, mắm giống như những chợ ở miền Tây. Ngoài ra còn bán đồ lưu niệm ở Siem Reap. Đi tham quan một vòng thì nhóm quyết định không ăn trong chợ vì chật chội nên quyết định ra ngoài quán ăn.
Giá một phần ăn bên Campuchia thì đắt hơn Việt Nam, từ 2$ đến 3$ nhưng số lượng thì nhiều, nên đi theo nhóm là tiện nhất, mỗi người kêu một phần rồi sau đó xin thêm chén đũa ăn chung từ đó có thể thưởng thức được nhiều món ăn hơn.
Sinh tố
Ăn xong kéo đi massage cá, bữa đầu tiên thấy có mấy tiệm ở khu Pub Street nên giờ đi qua đó kiếm lại, gần chỗ quán Red Piano có một tiệm để mấy hồ cá. Cả nhóm quẹo vào, sau khi thỏa thuận giá cả thì giá 2 USD/người 45 phút. Xong mỗi người 1 hồ, không biết toàn lựa hố có mấy con cá bự, vừa bỏ chân vào cả đàn bơi tới, bọn cá tới ăn các tế bào chết ở trên da, khi cắn vào thì gây ra cảm giác thú vị. Mới đầu không biết cả đám lựa hồ cá bự, tụi nó cắn đau muốn chết, ngồi la không biết là đang đi massage hay ngồi trên ghế điện khi xem lại video clip rất là mắc cười.
Hồ massage cá
Massage cá
Mọi người tranh thủ về nhà, dọn dẹp đồ đạc, thanh toán tiền phòng rồi chờ xe đưa trung chuyển đến từ nhà nghỉ đến bến xe, trong lúc đợi thì nhờ họ báo trước nhà nghỉ ở Phnom Penh là giờ mình sẽ tới. Được 2 giờ thì xe tới, chào tạm biệt nhân viên nhà nghỉ rồi tiền về Phnom Penh. Chuyến xe chạy về Phnom Penh trước đó trời có mưa hay sao nên đường ít bụi hơn. Xe có gắn thêm camera hành trình để tăng tầm nhìn cho tài xế.
Đường về Phnom Penh
Đến 8 giờ tối thì xe đến Phnom Penh, xuống bến xe thì đưa địa chỉ hỏi người dân xung quanh đó nhưng người dân Phnom Penh không biết tên đường, toàn chỉ biết hướng đi và nghịch nỗi là rất ít người biết tiếng Anh, Việt, toàn những người biết tiếng Campuchia. Mọi người tự đi theo hướng dẫn của ứng dụng bản đồ thì nó chỉ sai bét, chắc là do Phnom Penh có nhiều nhà cao tầng hơn nên độ chính xác giảm rõ rệt, mở bản đồ giấy ra tự đi thì thấy mọi thứ bị sai nguyên tắc so với trên bản đồ nên lúc này chuyển sang gặp ai thì đi hỏi đường lại. Tự nhiên gặp được 1 ông, hỏi đường thì ổng không biết nên nhóm cho số điện thoại để gọi đến chỗ nhà nghỉ đó, sau một hồi thì họ nói là ra rước nhóm vào luôn, chứ đường đến khó tìm. Rồi trò chuyện với ông, ông hỏi chuyện cả nhóm đi du lịch Campuchia, hỏi 1 bạn trong nhóm sao nói tiếng Anh tốt quá vậy, bạn đó cười, rồi ông nói là người quốc tịch Úc, lấy vợ Campuchia, rồi theo vợ qua đây sinh sống luôn.
Trong lúc chờ đợi thì nhóm tranh thủ qua đổi tiền ở một tiệm gần đó, rồi mua vài bịch bánh snack ăn nhẹ, rồi đến chỗ hẹn mà bên nhân viên nhà nghỉ hẹn, đi qua tiệm truy cập internet công cộng thì thấy ông người Úc hồi nãy ngồi trong đó, chỉ cả nhóm, ngồi nhớ lại thời tuổi thơ của bọn mình, giờ ở Việt Nam internet đầy đủ nên các tiệm cũng ít dần. Vừa tới thì nhân viên nhà nghỉ chạy xe tuk tuk tới, mọi người chào nhau rồi leo lên xe. Chiếc xe chở mọi người đến nhà nghỉ Good Morning Guesthouse. Sau đó làm thủ tục rồi vào nhận phòng. Cách thiết kế nhà nghỉ gồm 1 đường đi chính giữa và 2 dãy phòng 2 bên nhìn hơi giống nhà tù tí, chỉ khác là không có song sắt thui nhưng tiện nghi. Các vật dụng như kính soi, lavabo (chậu rửa mặt) đều khá cao so với dáng người mình, chắc là dành cho Tây. Sau đó mình ra hỏi chuyện thuê xe đạp cho ngày mai thì họ nói ngày mai mới có nên mình nghĩ là họ phải đi thuê xe đạp từ một cửa hàng khác.
Thay đồ xong xuôi mọi người đi ra ngoài ăn tối, đói và mệt nên ra lại chỗ bến xe hồi nãy có mấy quán lề đường, cả đám đi vòng chọn lựa xong sau đó vào một quán cơm, hay gọi là quán cơm gõ, thấy bọn nó bày trí thức ăn tươi sống, mọi người tới đặt thì bắt đầu chế biến, ăn với cơm. Lại quán hỏi tiếng Anh tụi nói lắc đầu, tiếng Việt cũng lắc đầu, bắt đầu bí bí bèn sực nhớ đến tờ giấy in mấy từ ngữ thông dụng tiếng Campuchia nhưng cuối cùng để quên ở phòng trọ, đúng là lúc cần thì lại quên. Sau đó lên ý tưởng là đi vòng vòng coi người ta ăn gì rồi kéo anh tiếp viên lại chỉ làm y như món đó, xong nó bưng ra dĩa ếch xào lăn, ăn với cơm nhưng siêu cay, ớt quá trời, đói bụng quá nên ăn gì cũng ngon.
Dĩa ếch xào lăn
Ăn xong no nê chuyển qua bắt đầu kiếm những món đặc sản của Campuchia, khổ nổi GPS ở Phnom Penh độ chính xác sai số nhiều quá, tìm kiếm trên bản đồ thấy chỉ vào con hẻm để ăn hoành thánh mì mà cả đám đi 3 vòng quanh trung tâm thương mại Sorya Mall không tìm thấy được đường vào, nản quá mọi người chuyển qua đi kiếm sinh tố uống. Xong có quán kia nhìn cũng sạch sẽ, tươm tất nên ghé vào, giá là 1.5 USD/ly. Xong rồi bà chủ bưng 2 ly ra ngồi uống thì bả hỏi: “Are you Vietnamese?”, cả đám trả lời “Yes” rồi chuyển qua hệ tiếng Việt trò chuyện cho lẹ.
Quán nước chị Hằng
Chị này tên Hằng, người Việt, chồng người Campuchia, chủ hãng xe Hoàng Cung hay chở bà con Campuchia đi khám bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhà chồng trước làm nghề mua bán tủ lạnh sau này chuyển qua mở hãng xe chở khách luôn. Rồi chị cũng nói cuộc sống ở Campuchia thì khó hơn ở Việt Nam nhưng bù lại thì không có nhiều chỗ ăn chơi nên gia đình quản lý con cái cũng dễ hơn, rồi thuế xe 4 bánh ít hơn,… Chị giúp nhóm đổi tiền và chỉ thêm kinh nghiệm du lịch Campuchia, những món đặc sản Campuchia: nom banh chok (mì Campuchia), nhện, dế, cà cuống chiên giòn,… những địa điểm cần tham quan khi đi du lịch Campuchia như Wat Phnom, Cung điện Hoàng Gia (bên đây gọi là Thành Vua), bảo tàng diệt chủng Pol Pot,… Ngồi đến 11 giờ 30 khuya thì cả đám chụp vài tấm hình cho chị, trả tiền rồi chào nhau ra về.
Chị Hằng
Về đến nhà nghỉ 12 giờ 30, bọn nhân viên đóng cửa ngủ làm phải bấm chuông kêu ra mở. Mọi người vào phòng, đánh răng, tắm rửa rồi đi ngủ, chuyện đổi tiền cuối cùng cũng giải quyết xong. Ngẫm nghĩ, mới thoắt đó mà chuyến du lịch Campuchia đã gần đến hồi kết thúc.
5. Ngày cuối cùng du lịch Campuchia, Phnom Penh – Sài Gòn
Hôm nay chỉnh đồng hồ báo thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng, mục đích là đi theo nhân viên nhà nghỉ đến chỗ thuê xe đạp. Mình ra bàn tiếp tân thì có nhân viên lấy xe tuk tuk chở đến chỗ lấy xe đạp. Tưởng là bên nhà nghỉ đã có liên kết với bên cho thuê xe đạp rồi. Ai ngờ anh nhân viên chở mình đi từ đường này đến đường khác, từ đó được tham quan Phnom Penh miễn phí: Cung điện Hoàng Gia, Bảo tàng Quốc Gia, Wat Ounalom,… bên cạnh đó thì hôm nay là ngày thứ hai nên được chiêm ngưỡng cảnh mọi người đến công sở, học sinh sinh viên cắp sách đến trường. Chạy thêm vài ba con đường nữa thì cuối cùng cũng đến một cửa hiệu đầy xe đạp, anh nhân viên và mình khiêng xe đạp lên tuk tuk rồi chạy về nhà nghỉ.
Vừa về tới nhà thì mấy thanh niên cũng chuẩn bị xong. Anh nhân viên hướng dẫn mình cách khóa xe đạp và ảnh kêu đặt cọc trước 30 USD đề phòng có hư hao, mất cắp, nhóm không đủ tiền USD nên đưa cho ảnh 1 triệu VND rồi kêu ảnh viết giấy xác nhận, tờ xác nhận toàn tiếng Khmer. Xong thủ tục, cả nhóm tiến về chợ trung tâm (Central Market) truớc để ăn sáng. Ấn tượng đầu tiên khi đến chợ là có rất nhiều xe hơi, và số xe máy chiếm rất ít, cả nhóm đạp xe vòng vòng để kiếm mấy cây cột nào đó rồi khóa xe vào. Từ chỗ bãi đậu xe đi vào là thấy mọi người ngồi ăn, xong mình đi vào thì có nhiều chủ quán chào mời, nào là mì, hủ tiếu, cơm sườn,… mình quay qua hỏi chỗ nào bán Nom Banh Chok thì họ chỉ đến chỗ gọi là Nam Chok Lọt Mai, rồi cứ thế hỏi người trong chợ, cuối cùng cũng tới.
Nom banh chok Lot Mai
Thưởng thức Nom banh chok
Tới quán là xổ ra câu “Bàn mạn?” của chị Hằng hướng dẫn hôm qua, chủ quán đưa tay năm ngón, ý là 5000 KHR. Vậy là cuối cùng cũng thưởng thức được món đặc sản mà mình mong mỏi mấy ngày qua trong chuyến du lịch Campuchia này. Bún mắm có nước dừa, ăn với bông màu tím tím, giống giống bún mắm của người Việt nhưng chỉ toàn cá, mùi mắm mặn nhưng nhạt hơn mắm cá lóc của người Việt và đặt biệt có nước dừa béo và thơm.
Nom banh chok
Bông để ăn chung với Nom banh chok
Cả nhóm không biết ăn như thế nào cho đúng nên cứ nhìn cô bên cạnh ăn rồi ăn theo. Thấy cô đó xin nguyên rổ bông, cả đám cũng bắt chước xin theo, xong gắp bỏ vào tô, cái quay qua thấy cô ấy ngắt từng bông bỏ vào tô chứ không cho nguyên cây bông vào, bị hố mà thấy tức cười, xong lảng lảng như người không biết gì gắp từng cọng bông ra rồi ngắt và cho ngược lại vào tô. Ăn xong thì mỗi người kêu thêm ly nước mía 1500 KHR/ly, nước mía uống có vị ngọt giống như nước đường, không có ngọt như nước mía ở Việt Nam. Ăn xong lúc tính tiền thì bất đồng ngôn ngữ nên không giao tiếp được, giờ mới biết là Phnom Penh người dân không nói tiếng Anh nhiều như ở Siem Reap, may thay ở cùng bàn có 1 bác người Campuchia mới từ Mỹ về, thì nhóm biết được số tiền phải trả, bên cạnh đó bạn trong nhóm lấy tờ xác nhận tiền của anh nhân viên hồi nãy đem ra hỏi coi nội dung trong đó là gì thì bác ấy nói nội dung là: “Received 1 million VND”. Tính tiền xong xuôi cả nhóm chào hỏi, tiếp tục hành trình cho ngày cuối cùng du lịch Campuchia, đầu tiên là xách xe đạp đến chùa Wat Phnom.
Cả nhóm đạp xe tiến ra trục đường chính (Norodom Boulevard), qua cầu Naga là thấy chùa Wat Phnom, nguyên các nóc bự màu trắng hiện ra trước mặt. Mình kêu nhóm đừng vào chùa vội, cứ chạy hết vòng xoay xem thế nào, mà đúng là nó rộng thiệt, thấy luôn Đại sứ quán Mỹ ở Campuchia. Xong một vòng thì nhóm xuống xe dẫn vào chùa, trước cổng có chỗ ghi “Ticket”, vào mua vé, giá 1 USD/người. Xong rồi cả đám đi thẳng vào, leo lên cầu thang, rồi đến chùa cho người Campuchia đầu tiên, vào chùa nghe thanh tịnh, tiếng chuông, mình tranh thủ vái cho gia đình sức khỏe, công việc,… rồi đi ra.
Chùa Wat Phnom
Xong tiếp tục qua chùa dành cho khách du lịch Campuchia, xô bồ hẳn ra, nào là cúng kiến các kiểu, mâm quả, đồ ăn, có cả thịt sống cho mấy tượng chó trước chùa, mình không thích lắm, ồn ào quá, nhưng cũng vô vái tí. Xong xuôi mọi người ra khuôn viên bên ngoài, có cái đồng hồ để đứng chụp hình, có mấy tượng của mấy ông thần mà không biết ông nào với ông nào, cũng biết đứng nhìn và chụp hình thôi.
Bên ngoài sân chùa Wat Phnom
Đồng hồ ở chùa Wat Phnom
Xà quần trong đó cũng tới trưa, sau đó nhóm quyết định vào lại Central Market để ăn trưa rồi mới tham quan các địa điểm còn lại vì Central Market cũng trên đường đi luôn. Trước khi vào chợ thì cũng chạy vòng vòng để ngắm cơ sở hạ tầng, cuộc sống, con người Phnom Penh thế nào rồi làm vài pô, sau đó tiến về chợ Central Market.
Xe tuk tuk ở Phnom Penh
Xe máy ở Phnom Penh
Buôn bán ven đường ở Phnom Penh
Xe xích lô ở Phnom Penh
Nhà có hình vẽ ở Phnom Penh
Lúc này mọi người các quán bán ăn sáng là đóng cửa nhường chỗ lại cho các quán bán đồ ăn trưa. Nào là tôm nướng, cá nướng, mực nướng gắn vào từng xâu nướng, ăn với cơm, kèm theo rau răm với nước chấm là mắm gừng. Mỗi người mua muốn ăn gì thì mua, giá từ 2$ đến 10$ một xâu. Sau đó họ đem ra chung với cơm, ăn xong no nê rồi chuyển đi vòng vòng kiếm vài món ăn vặt.
Cá nướng
Đi qua thấy quán chè, đủ loại chè: chè bí đỏ, chè trứng, chè thái, chè đậu xanh, sâm bổ lượng,… Cô bán chè chấp nhận lấy tiền Việt, tính ra là 15000 VND/chén chè. Chè Thái ở đây khác ở Việt Nam, có trứng, mì, hoành thánh,… giống như 1 món các với ở Việt Nam là toàn trái cây: mít, táo, sầu riêng. Chè bí đỏ thì ăn giống bánh flan, khác là ít béo hơn ăn 1 số chỗ có vị giống tàu hủ. Những chè kia ăn thì cũng giống Việt Nam.
Chè bí đỏ Campuchia
Mỗi người làm 2 chén, sướng miệng xong rồi đi kiếm tiếp món ăn vặt. Đặc biệt đối với mình là tìm cho được chỗ bán côn trùng chiên giòn. Đi một lúc thì cũng thấy, quá vui sướng như đạt được mục tiêu. Các bạn trong nhóm bu lại chụp hình quá trời, rồi mình hỏi giá bao nhiêu, dế thì 1$/lon, nhện thì 1$/con, cà cuống thì 0.75$/con, rồi mình mua 1 con nhện, 1 con cà cuống và tí dế, tất cả là 2$.
Nhện dế chiên tỏi giòn
Cà cuống chiên tỏi giòn
Xong cả đám ra chỗ nào rộng rãi ngồi xuống ăn cùng, mỗi người ăn thử 1 miếng, khó ăn hơn mình tưởng, chắc ngồi suy nghĩ lung tung nhiều quá. Nhện thì ăn mấy cái chân thơm thơm mùi tỏi, nhưng tới cái bụng thì khó ăn, ăn có vị giống gan heo. Dế thì ăn bình thường, cà cuống không biết tách vỏ, cánh thế nào nên ăn thấy cứng cứng, về tra Google thì thấy con này rất nổi tiếng ở Hà Nội, người Hà Nội dùng nó để làm hương vị cho vào nước mắm.
Quang cảnh bên trong Central Market
Ăn xong mọi người vào mua đồ lưu niệm cho chuyến du lịch Campuchia này: áo, trang phục Campuchia, khăn rằn, găng tay, ba lô,… kinh nghiệm thì nên trả giá 2/3 so với giá họ đưa ra, ai trả được cao hơn thì ngon. Loay hoay mãi cũng đến 1 giờ trưa, mọi người tranh thủ đi xuống những địa điểm khác như: Tượng đài độc lập, Cung điện Hoàng gia,… chủ yếu là đi tham quan bên ngoài vì không kịp thời gian, rồi dạo quanh phố phường bằng xe đạp.
Đạp xe đạp đến Tượng đài Độc lập
Cung điện Hoàng Gia
Cổng Cung điện Hoàng Gia
Nhà cao tầng
Nhà nghỉ Good Morning Guesthouse
Đến 2 giờ 30 thì về nhà nghỉ, dọn đồ rồi đón xe ôm ra bến xe Long Phượng về nhà. Xe chạy về đến cửa khẩu Bavet – Mộc Bài lúc 7 giờ rưỡi tối, về thì quy trình kiểm duyệt gắt hơn để tránh nạn buôn lậu. Đến 9 giờ 30 phút thì về đến Bến xe Công viên 23/9, chuyến du lịch Campuchia kết thúc tốt đẹp.