Sau chuyến đạp xe qua Cầu Cổng Vàng đến thành phố Sausalito ở phía Bắc của San Francisco ngày hôm qua thì hôm nay mình sẽ đi xuống phía nam của thành phố San Francisco, ở đây có Thung lũng Silicon, nơi hội tụ các công ty công nghệ ở Mỹ.
1. Tóm tắt kế hoạch chuyến tham quan Thung lũng Silicon
Tàu điện ngầm BART chỉ chạy về phía Bắc và phía Đông. Còn về hướng phía Nam đi San Jose và Thung lũng Silicon chỉ có xe lửa, xe buýt là phương tiện công cộng. Hôm nay mình sẽ đi thử xe lửa (Caltrain).
Theo như bản đồ ở trên, chuyến tham quan Thung lũng Silicon sẽ như sau:
- Đi xe lửa Caltrain từ Millbrae đến trạm San Antonio thuộc Thung lũng Silicon.
- Xuống trạm San Antonio, đi bộ đến trạm xe buýt miễn phí (Community Bus) San Antonio Center để đến Đại bản doanh Tập đoàn Google.
- Đến Google, chụp hình rồi mượn xe đạp chạy vòng vòng tham quan.
- Trả xe, đón Uber đến Bảo tàng Lịch sử Máy tính.
- Tham quan xong, đón Uber đến trạm Mountain View thuộc Thung lũng Silicon rồi đi xe lửa về lại Millbrae.
2. Đi xe lửa đến Thung lũng Silicon
Như mọi cuộc đi chơi lần trước thì luôn luôn dậy sớm, à hôm nay lần đầu tiên trải nghiệm giờ DST (daylight saving time), nước Mỹ sẽ tăng múi giờ sớm lên 1 tiếng, đang nói chuyện với bạn về chuyến đi Sausalito ngày hôm qua thì đồng hồ đột nhiên chuyển từ 1 giờ sáng 3 giờ. Nên việc thức dậy vào lúc 6 giờ sáng như thường lệ là khó thực hiện, nhưng thôi, một trải nghiệm tuyệt vời.
Đúng y, sáng 8 giờ (giờ mới) mới lết dậy được (giờ cũ là 7 giờ), tranh thủ làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng lẹ rồi chạy ra chỗ trạm BART Millbrae hồi trước, ở đây cũng là trạm dừng của xe lửa (Caltrain). Việc mua vé xe lửa cũng tương tự như BART, nhưng chỉ có cách tính giá thì khác, thay vì BART đi từ trạm A đến trạm B là bao nhiêu tiền sau đó nhập số tiền vào và in vé, thì Caltrain quy định A trong zone nào, B trong zone nào từ đó chọn zone trên máy tự động tính ra tiền và in vé, loay hoay cũng 15 phút mới mua được.
Bản đồ trạm dừng của Caltrain
Xong xuôi thì đi xuống đường ray xe lửa, ngay cả việc tính toán trên zone cũng quyết định đường ray (platform) nào nên cũng có nhiều bỡ ngỡ. Loay hoay thêm 5 phút thì cuối cùng cũng xong, nhìn trên màn hình thì 10 phút nữa là xe lửa đến, và chuyến tiếp theo cách 1 tiếng nữa, đi trễ thêm 10 phút là coi như kế hoạch bể tè le hết.
10 phút, tiếng còi của xe lửa đã vang lên, tàu vào bến, trên mỗi toa tàu có những ký hiệu: chở khách, hàng, xe đạp, thú cưng dành cho người có những nhu cầu mang theo. Mọi người đứng chờ nhanh chóng bước lên mỗi toa và chọn một ghế ngồi cho mình. Trong toa có 2 tầng, lúc đi thì mình ngồi tầng dưới.
Xe lửa bon bon trên con đường, bình thường nghe tiếng xe lửa chạy rất ồn, xập xình, xập xình nhưng khi lên toa ngồi thì mọi thứ rất êm, không chú ý là rất dễ bị lạc trạm, loa thông báo trên tàu mặc dù nói tiếng Anh nhưng giọng địa phương nên mới qua Mỹ được 1 tháng mình vẫn chưa hiểu được hết khi nghe giọng Mỹ qua các thiết bị điện tử.
Xe lửa chạy khá chậm, với tốc độ BART đi từ Millbrae đến San Francisco khoảng 30 cây số mất khoảng 30 phút thì cũng với quãng đường đi này với xe lửa Caltrain mất hơn 1 tiếng, một phần là nó chạy chậm và lý do nữa là có quá nhiều trạm dừng trên đường đi.
3. Tham quan Đại bản doanh của Tập đoàn Google
Tới trạm San Antonio thuộc Thung lũng Silicon rồi, xuống xe theo chỉ dẫn Google Map đến chỗ bắt xe buýt, quãng đường 1 dặm, đi khoảng nửa tiếng mới đến nơi. Đến nơi vào trạm xe buýt San Antonio Center chờ, nắng dữ dội, trời bắt đầu mùa xuân nên thời tiết không còn se lạnh như mấy tuần trước nữa.
Thắc mắc trong hướng dẫn Google Map kêu chọn xe buýt có biểu tượng màu xám, thấy lạ qua không biết gì nên cứ đứng tại trạm xe buýt, gặp xe nào tới móc điện thoại ra hỏi tài xế luôn. Cuối cùng sau 3 chuyến hỏi han cũng chọn được đúng xe, ở trước có 1 tờ giấy màu xám khá nhỏ, mới nhìn tưởng đó là chỗ dán băng keo kính xe bị bể, có xe thì tờ giấy màu đỏ, chạy tuyến khác.
Xe buýt chạy bằng điện, giống xe cá mập Mercedes Sprinter, Ford Transit hay thấy ở Việt Nam nhưng bự hơn, đây là xe buýt miễn phí (Community Bus) phục vụ mọi người trong Thung lũng Silicon, nên thắc mắc là trong Google Map nó không ghi giá, vì nó miễn phí 😉
Xe buýt miễn phí Mountain View
Lên xe buýt không biết trạm nào hỏi cô tài xế hướng dẫn kêu lấy bản đồ ở phía sau ghế ngồi xem đường chạy của xe, xong cuối cùng cũng biết trạm nơi mình xuống.
Bản đồ trạm dừng của Community Bus
Vừa xuống xe là cái bảng Google trước mặt, đây là một văn phòng nhỏ, chứ chưa vô GooglePlex.
Bảng hiệu Văn phòng Google
Tiếp theo đi bộ khoảng 1 cây số nữa mới đến. Và đây, trụ sở Google đã hiện lên trước mặt, mọi thứ rất hoành tráng, dòng chữ Google và biểu tượng con Android.
Biểu tượng Android ở cổng vào
Tiếp tục đi vòng vòng đến phía sau thì thấy có sân bóng chuyền giống như trong phim The Internship, rồi đến bộ xương con khủng long huyền thoại. Đi đến phía sau thì bàn và dù trải đầy ra, giống như nơi nghỉ mát ở bãi biển. Kế bên có con Android bự tổ chảng, đang loay hoay có 2 vợ chồng đứng chụp hình cho nhau, mình lại nhờ chụp hình giùm.
Sân bóng chuyền Google
Bộ xương khủng long ở Google
Chụp hình với biểu tượng Android
Xong leo lên mấy hàng ghế nằm nghỉ mát, ngắm cảnh tí. Ngày chủ nhật nên mọi người nghỉ hết, quang cảnh vắng vẻ, có chiếc xe đưa đón đang đậu kế bên, nằm nghỉ khoảng 15 phút thì tiếp tục tham quan tiếp.
Quang cảnh khu nghỉ mát ở Google
Xe đưa đón Google
Bàn ghế ngồi
Quang cảnh khu căn tin
Quay lại chỗ cổng chào có mấy chữ Google hồi nãy làm tấm hình kỷ niệm rồi đi đâu suy nghĩ tiếp. Ra loay hoay thì có 2 bạn người Đức nhờ chụp giùm rồi mình. Đứng bên có 2 vợ chồng với mỗi người 1 đứa con, bỗng có tự nhiên có 1 đứa bé bị té, khó quá trời, gia đình có đứa con bị té bế lên an ủi nhẹ nhàng rồi nói với gia đình kia: “It’s OK!” 1 cách giải quyết hay, chứ ở Việt Nam là cha mẹ la làng la xóm lên rồi vỗ tùm lum, đứa con thấy được khóc tới bến luôn.
Xong xuôi lụm chiếc xe đạp chạy vòng vòng, cái khu bự quá đi bộ cũng mệt. Xe đạp chỉ có thắng trước, nhưng thú vị là đạp nhanh rồi bóp thắng gấp thì xe không bị giật đầu, đồ Mỹ có khác. Sau đó đạp vòng vòng ra bãi cỏ gần đó, có mấy chú sóc trong hang chạy vòng vòng hai bên đường, không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên.
Đạp xe ở Google
Tiếp tục đạp qua những khu Campus khác, qua một cây cầu gỗ cũ dẫn đến một bãi đất trống có suối chảy, đứng ngắm cảnh, nghe tiếng suối chảy róc rách, sau đó quay lại rừng thông ở đằng sau bãi đổ xe lụm mấy trái bỏ trong giỏ xe rồi chạy vòng vòng, tiếp tục qua khu nhà ăn, đi tham quan mà chỉ đứng ở bên ngoài, không vào trong được.
Sau đó tiếp tục chạy vòng lại chỗ bảng hiệu Google hồi nãy, thấy có 1 nhân viên dẫn bọn nhỏ 4-5 người vào trong tham quan, mình đứng nghe nói chuyện xong cho xin vô ké cũng không được luôn 😥 Đạp vài vòng đến 12 giờ trưa qua viện Bảo tàng Máy tính, chơi liều nhịn ăn luôn, khả năng nhịn đói 2 bữa liên tục từ thời đại học vẫn còn áp dụng được cho tới ngày nay.
4. Tham quan Bảo tàng Lịch sử Máy tính
Đạp xe tới chỗ trả xe rồi đón Uber qua Bảo tàng Lịch sử Máy tính (Computer History Museum), vừa vào bảo tàng là băng rôn dài với nội dung giới thiệu Lịch sử Máy tính 2000 năm, vé vào là 17 USD/người, được phát bảng hướng dẫn đường đi tham quan.
Bảng hiệu ở Bảo tàng Máy tính
Nội dung của Bảo tàng Máy tính gồm có 5 phần:
- Revolution: The First 2000 Years of Computing: nói về lịch sử hình thành máy tính hơn 2000 năm, từ các thiết bị tính toán cổ xưa cho đến các công nghệ trong tương lai, du khách tham quan sẽ đi qua 19 phòng trưng bày, nội dung gồm những khía cạnh khác nhau về Máy tính, các thước phim, hình ảnh tư liệu, mẫu vật, các nhân vật, công ty góp phần tạo nên lịch sử.
- Thinking Big: Ada, Countess of Lovelace: gồm các hình ảnh, những công trình nghiên cứu của Đại học Oxford về cuộc sống, thành tựu và con người của Lập trình viên đầu tiên của thế giới: Bà Ada Lovelace.
- Make Software: Change the World! nói về các phần mềm nổi tiếng thay đổi thế giới như trò chơi World of Warcraft, Photoshop, Wikipedia,… và các phần mềm mô phỏng Tai nạn xe hơi hay máy MRI trong y học.
- The Demo Labs: trưng bày phòng nghiên cứu của Công ty IBM gồm PDP-1 và IBM 1401.
- Where To? A History of Autonomous Vehicles: nói về xe tự hành, gồm lịch sử phát triển, các thuật toán trí tuệ nhân tạo trên xe và mô hình xe để du khách tham quan và trải nghiệm.
Bản đồ hướng dẫn tham quan của Bảo tàng
Bắt đầu phần đầu tiên, Revolution: The First 2000 Years of Computing, người bán vé nói mình 2 giờ có tour tham quan với hướng dẫn viên thuyết trình luôn, lúc mình vào đó cũng 1 giờ hơn rồi nên vào xem đoạn quảng cáo giới thiệu trước sau đó vô coi phần gian hàng 1, 2 trước để đợi tour có hướng dẫn viên.
Thước phim nói về Lịch sử phát triển Máy tính 2000 năm qua
Tất cả các gian hàng được sắp xếp quá trình hình thành máy tính từ lúc khai thiên lập địa bằng các dụng cụ tính thô sơ của nền văn minh cổ đại cho đến các siêu máy tính, những công nghệ tân tiến trong tương lai.
Máy tính Schickard – Replica
Cuộc gặp giữa Chủ tịch IBM Watson và Hitler
Lượng kiến thức ở bảo tàng Mỹ rất lớn, thường mọi người đi đem theo một cuốn sổ để ghi chép lại những kiến thức chứ không nhớ hết nỗi. Có những vật dụng chỉ được thấy qua phim ảnh giờ được thấy tận mắt: máy mã hóa Enigma, máy tính Apple 1, Apple 2,… vui quá, xúc động không nói nên lời, vừa đứng vừa chiêm ngưỡng. Lâu lắm rồi bản thân mới có những cảm xúc dâng trào như vậy.
Máy mã hóa Enigma huyền thoại
Radar phát hiện máy bay
Lõi tên lửa V-2 trong Chiến tranh thế giới thứ II
Robot đời đầu
Chuột máy tính đầu tiên trên thế giới
Áo thun nhãn hiệu Windows 95
Máy tính Apple II
iPhone phiên bản đầu tiên của Apple
Cuối cùng là tiết mục chơi Pacman
Tiếp theo là đến phần Thinking Big: Ada, Countess of Lovelace gồm các tư liệu về Nữ lập trình viên Ada
Chân dung lập trình viên Ada
Chân dung lập trình viên Ada lúc còn nhỏ
Tiếp tục đến phần Make Software: Change the World!, xem quảng cáo các phần mềm, các video clip về mô phỏng tai nạn xe hơi, rồi đến chiếc xe bị tai nạn có túi khi bị văng ra ngoài.
Túi khí xe bị văng ra ngoài do tai nạn
Rồi đến mô hình máy cộng hưởng từ MRI, ấn tượng nhất là trò chơi hướng dẫn du khách nhận diện các khối u, những chỗ chấn thương hay các bệnh trong xương, vai, gan, sọ não,… rất thích hợp cho các bạn có niềm đam mê y học hoặc hay khám phá như mình.
Mô hình máy MRI
Xong xuôi đến phần The Demo Labs, lúc này đã khá mệt, vô đây toàn máy móc cao siêu quá đọc mô tả không hiểu gì hết nên đi một vòng rồi ra ngoài.
Phòng thí nghiệm IBM
Cuối cùng đến phần Where To? A History of Autonomous Vehicles, đầu tiên là đọc các thông tin mô tả về xe tự hành, thuật toán,… rồi leo lên mô hình thử nghiệm của Google coi trí tuệ nhân tạo trên xe nó xử lý như thế nào khi chạy trên đường.
Mô hình xe tự hành của Google
Rồi có mô hình xe tự hành của NASA cho việc thám hiểm không gian, có pin Mặt trời để tự sạc.
Xe tự hành khám phá không gian
Xong xuôi đến 4 giờ rưỡi qua mua hàng lưu niệm, mua cái nón cho thằng cháu có cái chong chóng phía trên giống trong phim The Internship và 2 hộp kẹo Pacman, xong lúc tính tiền cô bán hàng chọc: “Everyone loves Pacman, is that right?” còn cười bí hiểm nữa, thiệt tình.
Hộp kẹo Pacman
Quang cảnh chỗ chờ Uber
Chụp ảnh lưu niệm
Xong sau đó bắt Uber về trạm xe lửa Mountain View thuộc Thung lũng Silicon, đến trạm không biết hướng về Millbrae được 1 ông vô gia cư chỉ đường, mình đang ở hướng đi về Gilroy, muốn đi về Millbrae phải đi qua lane ngược lại, xong đi theo hướng dẫn của ổng tìm thấy một đường hầm nhỏ dẫn lỗi đi qua lane bên kia, qua tới bên kia mua vé rồi đợi xe lửa về nhà. Từ sáng đến giờ chưa ăn gì, đói bụng liền lấy vài bịch bánh cookie đem theo ăn để nạp năng lượng trong lúc xe lửa đến trạm.
Xong nghe tiếng kèn bong bong bong vang lên, lên tàu tranh thủ lên hàng ghế tầng trên ngồi để lấy trải nghiệm, trời chiều nắng quá, đuối quá ngủ tí. Tới trạm Millbrae xuống, ghé vào 1 nhà hàng Đài Loan ăn tối, cả ngày ở Thung lũng Silicon chưa ăn được bữa nào ra hồn cả. Món ăn rất ngon, gồm Tàu hủ Hột vịt Bắc thảo Chà bông Hành chan Nước tương, Gân bò Chua ngọt Xì dầu, Mì bò Cải bẹ xanh và Trà bông cúc.
Bữa ăn đạm bạc
Ăn xong về nhà, coi lại hình ảnh tư liệu đã chụp trong buổi bảo tàng ngày hôm nay, chuyến tham quan Thung lũng Silicon kết thúc tốt đẹp và học được rất nhiều thứ.